Các thông tin sai lệch Thông tin sai lệch và chần chừ trong tiêm vắc-xin COVID-19

Đã có nhiều giả thuyết sai lệch về vắc-xin COVID-19 được lan truyền ở nhiều nơi trên thế giới.

Lừa đảo liên quan tới vắc-xin

Vắc-xin giả

Vào tháng 7 năm 2021, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 14 người vì sử dụng nước muối làm các liều vắc-xin giả thay vì vắc-xin AstraZeneca tại gần một chục điểm tiêm chủng tư nhân ở Mumbai. Ban tổ chức, bao gồm các chuyên gia y tế, đã thu tiền từ 10 đến 17 đô-la cho mỗi liều và đã có hơn 2.600 người đã trả tiền để được tiêm vắc-xin.[1][2][3]

Interpol đã ban hành một cảnh báo toàn cầu vào tháng 12 năm 2020 cho các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước thành viên để đề phòng các mạng lưới tội phạm có tổ chức nhắm mục tiêu vào vắc-xin Covid-19, cả trong đời sống và trên không gian mạng.[4] WHO cũng đưa ra cảnh báo vào tháng 3 năm 2021 sau khi nhiều bộ y tế và cơ quan quản lý nhận được những đề nghị cung cấp vắc-xin đáng ngờ. Họ cũng lưu ý rằng: một số liều vắc-xin đang được chào bán trên dark web với giá từ 500 đến 750 đô-la, nhưng không có cách nào để xác minh nguồn gốc xuất xứ của chúng.[5]

Hộ chiếu vắc-xin giả

Tại Hoa Kỳ, xuất hiện một sự gia tăng trong số lượng các cá nhân tìm cách mua thẻ tiêm chủng giả, thay đổi hồ sơ y tế để hiển thị tiêm chủng hoặc tạo thẻ tiêm chủng giả để bán. Ở Hawaii, một người đi di lịch đã bị bắt sau khi người ta phát hiện cô ta có hộ chiếu tiêm chủng giả. Một bác sĩ ở California đã bị bắt vì làm giả hồ sơ tiêm chủng của bệnh nhân, đó cũng là điều tương tự xảy đến với ba quân nhân ở bang Vermont vì hỗ trợ tạo ra hộ chiếu vắc-xin giả.[6] Vào tháng 8 năm 2021, các nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã bắt giữ 121 gói hàng với hơn 3.000 thẻ tiêm chủng giả đã được vận chuyển từ Thâm Quyến để phân phối tại Hoa Kỳ.[7]

Nghiên cứu của Check Point được công bố vào tháng 8 năm 2021 cho thấy hộ chiếu tiêm chủng giả đang được bán qua các ứng dụng nhắn tin và có giá từ 100 đến 120 đô-la cho mỗi hộ chiếu. Interpol thông báo rằng họ nhận thấy mối tương quan trực tiếp giữa các quốc gia yêu cầu xét nghiệm COVID âm tính để nhập cảnh và sự tăng trong số lượng của các hộ chiếu tiêm chủng giả.[4]

Các tuyên bố dựa trên y học

Tuyên bố vắc-xin gây biến đổi DNA con người

Việc sử dụng vắc-xin dựa trên mRNA cho COVID-19 là cơ sở của nhiều thông tin sai lệch được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng tuyên bố một cách sai lệch rằng việc sử dụng RNA bằng cách nào đó có thể thay đổi DNA của một người.[8] Thuyết âm mưu thay đổi DNA được trích dẫn bởi một dược sĩ bệnh viện Wisconsin, người đã cố tình loại bỏ 57 lọ vắc-xin khỏi kho lạnh vào tháng 12 năm 2020 và sau đó bị các công tố viên Quận Ozaukee buộc tội gây nguy hiểm và thiệt hại hình sự đối với tài sản.[9]

mRNA (RNA thông tin) trong tế bào bị phân hủy rất nhanh trước khi nó có thời gian để xâm nhập vào nhân tế bào. (vắc-xin mRNA phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp chính là để ngăn chặn sự phân hủy mRNA.) Các retrovirus mang RNA sợi đơn (RNA trong vắc-xin SARS-CoV-2 cũng là RNA sợi đơn) xâm nhập vào nhân tế bào và sử dụng enzyme phiên mã ngược để tạo ra DNA từ RNA trong nhân tế bào. Tuy nhiên, trong khi retrovirus có các cơ chế để có thể xâm nhập vào nhân, các mRNA khác lại thiếu các cơ chế này. Khi ở bên trong nhân, việc tạo ra DNA từ RNA là không thể xảy ra nếu không có đoạn mồi, thứ đi kèm với virus retrovirus nhưng không tồn tại đối với các mRNA khác nếu được đặt trong nhân.[10][11] Do đó, vắc-xin mRNA không thể thay đổi DNA vì chúng không thể xâm nhập vào nhân, và vì chúng không có mồi để kích hoạt enzyme phiên mã ngược. Vì lý do tương tự, vắc-xin mRNA cũng không được coi là một dạng của liệu pháp gen.[12]

Sức khỏe sinh sản

Trong một bản kiến ​​nghị vào tháng 12 năm 2020 gửi Cơ quan Y tế Châu Âu, bác sĩ người Đức Wolfgang Wodarg và nhà nghiên cứu người Anh Michael Yeadon đã gợi ý, nhưng không kèm theo bằng chứng nào, rằng vắc-xin mRNA có thể gây vô sinh ở phụ nữ bằng cách nhắm đích vào protein syncytin-1, một thành phần cần thiết cho sự hình thành nhau thai. Kiến nghị của họ về việc ngừng thử nghiệm vắc-xin đã sớm bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội.[13] Một cuộc khảo sát đối với phụ nữ trẻ ở Vương quốc Anh sau đó cho thấy hơn một phần tư sẽ từ chối vắc xin COVID-19 vì lo ngại ảnh hưởng của chúng đối với khả năng sinh sản.[14] Tuy nhiên, protein syncytin-1 và protein đột biến SARS-CoV-2 mà vắc-xin nhắm đích có thành phần rất khác nhau, thực chất là chúng chỉ có chung nhau một trình tự chứa bốn, trên tổng số hàng trăm, amino acid.[15] David Gorski đã viết trên trang Science-Based Medicine rằng Wodarg và Yeadon đang "gây ra nỗi sợ hãi thực sự [...] dựa trên những suy đoán vô nghĩa".[16]

Đã xuất hiện tuyên bố sai sự thật rằng một người được tiêm chủng có thể "tiết ra" các protein gai, được cho là sẽ gây ra kinh nguyệt thất thường hoặc các tác động có hại khác đối với sức khỏe sinh sản của những phụ nữ không được tiêm chủng ở gần họ. Những tuyên bố này đã được trích dẫn bởi trường tư thục Centner Academy ở Miami (cơ sở đã loại bỏ giáo viên đã tiêm chủng khỏi lớp học và sẽ từ chối thuê giáo viên tiêm chủng trong tương lai), một số doanh nghiệp đã cấm khách hàng đã tiêm chủng. Bác sĩ phụ khoa kiêm nhà báo chuyên mục y tế Jen Gunter cho biết không có loại vắc xin nào hiện được chấp thuận ở Hoa Kỳ "có thể ảnh hưởng đến một người chưa được tiêm phòng và điều này bao gồm kinh nguyệt, khả năng sinh sản và mang thai của họ".[17][18][19][20][21] Vào tháng 5 năm 2021, tạp chí Vice báo cáo rằng một số người ủng hộ tuyên bố này, một cách khá mỉa mai, đã khuyến nghị việc sử dụng khẩu trang và cách ly xã hội để bảo vệ bản thân khỏi những người đã được tiêm chủng.[22]

Nguy cơ bị bệnh

Liệt dây thần kinh mặt

Vào cuối năm 2020, có tuyên bố lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội rằng vắc-xin Pfizer‑BioNTech COVID‑19 đã gây ra liệt dây thần kinh mặt (bệnh liệt Bell) ở những người tham gia thử nghiệm. Một số hình ảnh, vốn đã tồn tại từ trước năm 2020, được dùng để minh họa cho các bài đăng này và được ghi chú thích sai lệch rằng đây là những người tham gia thử nghiệm.[23] Trong quá trình thử nghiệm, chỉ có bốn trong số 22.000 người tham gia thử nghiệm đã thực sự phát triển triệu chứng liệt dây thần kinh mặt. FDA quan sát rằng "tần suất mắc bệnh liệt của Bell được báo cáo trong nhóm vắc-xin là tương tự như tỷ lệ nền dự kiến ​​trong quần thể bình thường".[24][25]

Các cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra về việc liệu có hay không mối liên hệ nhân quả giữa bất kỳ loại vắc-xin COVID lớn nào và bệnh liệt dây thần kinh mặt.[26][27][28] Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng ngay cả khi một mối quan hệ như vậy tồn tại, nó xảy ra cực kỳ hiếm và ảnh hưởng rất nhỏ (~10 trường hợp trên 100.000 người so với 3-7 trường hợp trên 100.000 người trong một năm trước đại dịch điển hình).[29][30] Bệnh liệt dây thần kinh mặt thường chỉ có có tính chất tạm thời và đã được biết đến là xảy ra sau khi tiêm nhiều loại vắc-xin khác nhau.[31][32][33]

Bệnh Prion

Một bài đăng được chia sẻ rộng rãi trên Facebook năm 2021 tuyên bố rằng vắc-xin mRNA cho COVID-19 có thể gây ra các bệnh prion, dựa trên một bài báo của J. Bart Classen. Bài báo được đăng trên tạp chí Microbiology and Infectious Diseases, được xuất bản bởi Scivision Publishers - một nhà xuất bản có trong danh sách các nhà xuất bản lừa đảo (predatory journals) của Beall. Vincent Racaniello, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Columbia, mô tả tuyên bố này là "hoàn toàn sai lầm".[34]

Tuyên bố cho rằng vắc-xin bại liệt là một nguồn mang COVID-19

Các bài đăng trên mạng xã hội ở Cameroon đã thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng vắc-xin bại liệt chứa COVID-19, làm phức tạp thêm việc xóa sổ bệnh bại liệt bên cạnh những khó khăn về tài chính và hậu cần do đại dịch COVID-19 tạo ra.[35]

Phản ứng tăng cường phụ thuộc vào kháng thể

Tăng cường phụ thuộc vào kháng thể (Antibody-dependent enhancement, ADE) là hiện tượng một người có kháng thể chống lại một loại virus (có thể là do nhiễm trùng hoặc tiêm chủng) có khả năng phát triển bệnh nặng hơn khi bị nhiễm virus thứ hai có liên quan chặt chẽ với virus thứ nhất, do một phản ứng đặc thù và hiếm gặp với các protein trên bề mặt của virus thứ hai.[36][37] ADE đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu trên động vật trong quá trình phát triển vắc-xin coronavirus trước đây, nhưng tính đến ngày 18 tháng 3 năm 2021, không có trường hợp nào được quan sát thấy trong các thử nghiệm vắc-xin trên người.[38] ADE đã được quan sát trong các thử nghiệm in vitro và trong các nghiên cứu trên động vật với nhiều loại virus khác nhau không gây ADE ở người.[39][36] Tuy nhiên, các nhà hoạt động chống tiêm chủng vẫn viện dẫn ADE như một lý do để tránh tiêm vắc-xin phòng COVID-19.[16][40]

Vật liệu bào thai trong vắc xin

Vào tháng 11 năm 2020, các tuyên bố lan truyền trên web rằng vắc-xin Oxford–AstraZeneca COVID-19 có "chứa" mô của các bào thai đã bị bỏ. Mặc dù đúng là các dòng tế bào có nguồn gốc từ bào thai đã bị bỏ từ năm 1970 đóng một vai trò trong quá trình phát triển vắc-xin, các phân tử của vắc-xin thực chất được tách chiết từ các mảnh vụn tế bào.[41][42]

Độc tố tế bào của protein gai

Vào năm 2021, thông tin sai lệch về chống tiêm chủng lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội cho rằng các protein gai đột biến SARS-CoV-2 là "rất nguy hiểm" và sẽ gây "độc tế bào". Vào thời điểm đó, tất cả vắc-xin COVID-19 được chấp thuận sử dụng khẩn cấp đều chứa mRNA hoặc tiền chất mRNA để sản xuất protein đột biến. mRNA này mang các chỉ dẫn cấu trúc, mà khi được xử lý trong tế bào sẽ tạo ra các protein đột biến, kích hoạt phản ứng miễn dịch thích ứng một cách an toàn và hiệu quả.[43][44]

Hệ thống Báo cáo Sự kiện Bất lợi liên quan tới Vắc-xin của Hoa Kỳ

Các tuyên bố đã được đưa ra rằng dữ liệu từ Hệ thống Báo cáo Sự kiện Bất lợi liên quan đến Vắc-xin của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (Vaccine Adverse Event Reporting System, VAERS) có chứa các số liệu bí mật các ca tử vong liên quan đến vắc-xin COVID-19.[45][46][47][48] Tuyên bố này đã bị lật tẩy và nó chỉ là các diễn giải xuyên tạc và quy kết gây hiểu lầm của nhóm phản đối tiêm vắc-xin.[45][46][47][48] VAERS được biết là báo cáo và lưu trữ các sự kiện sức khỏe đồng thời xảy ra mà không có bằng chứng về nguyên nhân,[45] bao gồm các vụ tự tử, sự cố máy móc (tai nạn xe hơi[47]), tử vong do bệnh mãn tính, tuổi già và những trường hợp khác. Các trang web Medalerts.org của Trung tâm Thông tin Vắc-xin Quốc gia, một trung tâm chống vắc-xin danh tiếng, và OpenVAERS.org có liên quan đến thông tin sai lệch này.[47] Các nghiên cứu so sánh về VAERS, xem xét tỷ lệ báo cáo tương đối, đã cho thấy các dữ liệu không hỗ trợ những tuyên bố này.[49][50]

Các tuyên bố liên quan đến xã hội

Tuyên bố đã có vắc-xin trước khi chúng tồn tại

Nhiều bài đăng trên mạng xã hội đã thúc đẩy thuyết âm mưu tuyên bố rằng: trong giai đoạn đầu của đại dịch, virus này đã được biết tới và đã có vắc-xin phòng ngừa. PolitiFact và FactCheck.org lưu ý rằng không có vắc-xin nào cho COVID-19 tại thời điểm đó. Các bằng sáng chế được trích dẫn bởi các bài đăng trên mạng xã hội khác nhau đề cập đến các bằng sáng chế hiện có về trình tự gen và vắc-xin cho các chủng coronavirus khác như coronavirus SARS chứ không phải là SARS-CoV-2.[51][52] WHO báo cáo rằng kể từ ngày 5 tháng 2 năm 2020, bất chấp các tin tức về "các loại thuốc đột phá" đã được phát hiện, không có phương pháp điều trị nào được biết là hiệu quả,[53] kể cả phương pháp dùng thuốc kháng sinh hay thuốc thảo dược.[54]

Trên Facebook, một bài đăng được chia sẻ rộng rãi vào tháng 4 năm 2020 tuyên bố rằng bảy trẻ em Senegal đã chết vì chúng được tiêm vắc-xin COVID-19. Thực tế, không có loại vắc xin nào tồn tại vào thời điểm đó, mặc dù một số loại đang được thử nghiệm lâm sàng vào thời gian này.[55]

Từ hóa

Đã xuất hiện tuyên bố sai lệch cho rằng vắc-xin COVID-19 khiến con người bị nhiễm từ và làm các vật kim loại dính vào cơ thể họ.[56] Được các đảng viên Cộng hòa gọi là nhân chứng chuyên môn trước phiên điều trần vào tháng 6 năm 2021 của Ủy ban Y tế Hạ viện Ohio, nhà hoạt động chống vắc xin Sherri Tenpenny đã góp phần quảng bá cho tuyên bố sai lệch này, nói rằng, "Có những người từ lâu đã nghi ngờ rằng có một loại giao diện nào đó, một loại giao diện chưa được biết đến, giữa những gì được tiêm vào cơ thể và tất cả các tháp 5G."[57]

Thông tin thực tế bị bóp méo

Một báo cáo năm 2021 của Facebook cho thấy liên kết được chia sẻ phổ biến nhất ở Hoa Kỳ từ tháng 1 đến tháng 3 là một bài báo từ South Florida Sun-Sentinel về sự tử vong của một bác sĩ hai tuần sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Người giám định y tế sau đó không tìm thấy bằng chứng nào về mối liên hệ của cái chết này với vắc-xin, nhưng bài báo đã được tuyền truyền và bóp méo bởi các nhóm chống vắc-xin nhằm dấy lên nghi ngờ về tính an toàn của vắc-xin.[58]

Tuyên bố liên quan đến biến thể Covid-19

Biến thể Delta và vắc xin

Khi biến thể delta của COVID-19 bắt đầu lan rộng trên toàn cầu, các chiến dịch thông tin sai lệch bắt đầu khai thác ý tưởng rằng vắc xin COVID-19 đã gây ra biến thể delta, bất chấp thực tế là vắc-xin không thể khiến virus nhân lên.[59] Tương tự như vậy, một nhà virus học người Pháp đã tuyên bố sai rằng các kháng thể từ vắc-xin đã tạo ra và tăng cường các biến thể COVID-19 thông qua một lý thuyết đã được lật tẩy trước đây về Tăng cường phụ thuộc vào kháng thể (ADE).[60]

Cũng có một lý thuyết tương tự như vậy tại Ấn Độ, cho rằng vắc-xin COVID-19 đang làm giảm khả năng chống chọi với các biến thể mới của con người thay vì tăng cường khả năng miễn dịch; giả thuyết này cũng đã được bác bỏ.[61]